GIẢNG DẠY KỸ NĂNG ĐỌC THEO TỪNG TRÌNH ĐỘ

09/09/2022

Khi lên những cấp độ cao hơn, nhu cầu đọc của học sinh có thay đổi hay không? Tác giả cuốn sách Off the Page – Activities to Bring Lessons Alive and Enhance Learning (tạm dịch: Học không sách vở – Các hoạt động tạo nên bài giảng sống động và học tập hiệu quả), ông Craig Thaine xem xét một số thay đổi có thể xảy ra và gợi ý cách giáo viên có thể phản hồi trong bài giảng. 

Quy trình giảng dạy kỹ năng đọc thường tuân theo một mẫu điển hình. Các hoạt động trước khi đọc nhằm khơi gợi trí tò mò của học sinh và cung cấp những thông tin cơ bản hoặc từ khoá ngôn ngữ liên quan đến bài đọc. Trong khi đọc, học sinh cần hoàn thành các nhiệm vụ thể hiện mức độ thông hiểu thông tin trong bài đọc của chúng. Những nhiệm vụ này được sắp xếp theo trình tự từ những nhiệm vụ cơ bản đến những nhiệm vụ khó hơn. Các nhiệm vụ cũng nhằm rèn luyện các kỹ năng phụ như đọc ý chính, đọc chuyên sâu, đọc suy luận. Những hoạt động tiếp theo đó có thể liên quan đến kỹ năng nói hoặc kỹ năng ngôn ngữ.

1.Học sinh ở các trình độ khác nhau có nhu cầu đọc khác nhau không?

Nếu chúng ta dõi theo người học từ trình độ A1 hoặc A2 cho đến khi chúng có thể tự tin sử dụng tiếng Anh ở trình độ B1+ trở lên thì ta sẽ biết là cấu trúc của các bài đọc thường không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, bản chất nhu cầu đọc của học sinh có những thay đổi tinh tế. 

Ở trình độ cơ bản, giai đoạn trước khi đọc thường quan trọng hơn. Với người học chưa có vốn tiếng Anh vững, giáo viên cần chuẩn bị trước những kiến thức nền giúp người học hiểu được bài đọc. Giáo viên cũng biết những từ vựng và cách diễn đạt nào sẽ gây khó khăn cho người học và quyết định xem cần phải dạy trước phần đó như thế nào. Cách hỗ trợ này nhằm khuyến khích học sinh đọc với mức độ trôi chảy hợp lý ở lần đọc văn bản đầu tiên. 

Ở các trình độ cao hơn, hoạt động trước khi đọc cũng quan trọng, nhưng thường không cần đặt mục tiêu và điều chỉnh kỹ lưỡng như ở trình độ cơ bản. Khi năng lực tiếng Anh của học sinh phát triển, các em có thể đọc hiểu một cách độc lập hơn và có góc nhìn phản biện. Người học có thể tự áp dụng các chiến lược đọc đã được giới thiệu ở những lớp trước như là thử đoán nghĩa của từ mới theo ngữ cảnh hoặc dừng lại giữa văn bản để ngẫm nghĩ về những thông tin họ đã nắm được.

Cấu trúc bài đọc thường không thay đổi nhiều nhưng bản chất nhu cầu đọc của học sinh sẽ dần thay đổi.

2.Vậy có những khác biệt đáng kể nào trong các bài dạy kỹ năng đọc?  

Hoạt động đọc ở trình độ cơ bản thường có thể được áp dụng ở trình độ cao hơn và ngược lại. Đây là câu hỏi liên quan đến mức độ ưu tiên và tầm quan trọng. Khi còn ở trình độ cơ bản, chúng ta dành nhiều thời gian cho các hoạt động trước khi đọc và khi ở trình độ cao hơn, ta có thể tập trung vào hoạt động trong khi đọc hơn. 

Hoạt động đọc ở trình độ cơ bản thường có thể áp dụng được ở trình độ cao hơn và ngược lại.

 

3.Ý tưởng cho hoạt động trước khi đọc cho học sinh ở trình độ cơ bản? 

Hoạt động trước khi đọc phổ biến là sử dụng hình ảnh trực quan để học sinh có thể thảo luận theo cặp và nhóm nhỏ. Giáo viên có thể đánh giá mức độ hiểu biết của học sinh về thông tin trong bài đọc và giải thích hoặc nhấn mạnh các từ khoá hoặc mục từ vựng cần lưu ý bằng cách lắng nghe học sinh của mình. Hoạt động này cũng giúp xây dựng kiến thức nền tảng cho học sinh. 

Hoạt động trước khi đọc khác là đọc cho học sinh nghe phần tóm tắt của bài đọc. Phần tóm tắt không nên dài hơn ba hoặc bốn câu và nên gồm các sự kiện hoặc điểm chính trong bài. Sau khi đọc phần tóm tắt, học sinh làm việc theo cặp hoặc nhóm nhỏ rồi đặt câu hỏi nhờ giáo viên giải đáp. Lợi ích của hoạt động này là tập trung trực tiếp vào nội dung bài đọc thay vì là lĩnh vực chủ đề chung; đồng thời cũng tạo cơ hội cho học sinh luyện kỹ năng nghe và nói. Sau khi trả lời các câu hỏi, học sinh có thể dự đoán những nội dung có thể có trong bài đọc và nắm được ý chính để tìm hiểu. 

Giáo viên có thể đánh giá mức độ hiểu biết của học sinh và giải thích hoặc nhấn mạnh các từ khoá cần lưu ý trong các hoạt động trước khi đọc.

 

4.Ý tưởng cho hoạt động trong khi đọc ở các trình độ cao hơn 

Giáo trình thường cung cấp nhiều hoạt động trong khi đọc như câu hỏi đọc hiểu, chọn Đúng / Sai, câu hỏi nhiều lựa chọn, hoàn thành câu và ghi chú. Những hoạt động này hữu ích để kiểm tra khả năng hiểu, nhưng chúng không tạo nhiều cơ hội để người học ở trình độ cao có thể đọc độc lập hơn. Trong cuốn sách ‘Teaching and Developing Reading Skills’ (tạm dịch: Dạy và Phát triển Kỹ năng Đọc), tác giả Peter Watkins cung cấp nhiều ý tưởng thay thế cho các hoạt động trong khi đọc, bao gồm ý tưởng Sử dụng ký hiệu cho phép học sinh đọc và phản ứng một cách độc lập hơn. Trong khi đọc, học sinh đánh dấu văn bản bằng các ký hiệu thể hiện phản ứng của họ đối với văn bản, ví dụ, đánh dấu tick để thể hiện sự đồng ý; dấu chấm hỏi khi không hiểu; dấu chấm thang khi thấy điều gì ngạc nhiên hoặc gây sốc. 

Cách khác là yêu cầu học sinh tự nghĩ ra  các nhiệm vụ đọc cho các bạn của mình. Sau khi đọc xong đoạn đầu tiên, học sinh làm việc theo cặp để viết nhiệm vụ đọc cho cặp khác. Hoạt động này giúp học sinh ý thức được những nhiệm vụ đọc cần tập trung vào, ví dụ, một số thông tin chi tiết; ý kiến của người viết; nội dung nào đó có liên quan nhưng chưa được làm rõ, v.v. Ngoài ra, cách làm này hướng học sinh tập trung vào thông tin cụ thể trong bài đọc thay vì các thông tin chung chung ngoài lề.

Hoạt động trong khi đọc giúp học sinh ý thức được những nhiệm vụ đọc cần tập trung vào.

 

Hãy tham khảo Horizon TESOL để biết thêm nhiều mẹo hữu ích   

Nguồn: https://www.cambridge.org/elt/blog/2021/09/14/reading_lessons_different_levels/ 

Anh Thi lược dịch

 

Tin Tức Khác

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

Bạn cần tư vấn khóa học phù hợp? Hãy liên hệ với chúng tôi




    error: Content is protected !!
    Scroll to Top