Nhiều bậc cha mẹ muốn dạy tiếng Anh cho con mình tại nhà nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Không sao nếu bạn không giỏi tiếng Anh. Điều quan trọng nhất là phải nhiệt tình và dành cho trẻ nhiều lời động viên, khen ngợi. Trẻ sẽ dần có hứng thứ với tiếng Anh. Cũng đừng lo nếu con bạn không thạo tiếng Anh ngay lập tức. Chúng sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để tiếp thu ngôn ngữ. Hãy kiên nhẫn và chúng sẽ bắt đầu nói tiếng Anh khi có thể.
Dưới đây là các phương pháp Horizon Tesol tổng hợp để giúp bạn dạy tiếng Anh cho trẻ tại nhà:

Tạo thói quen học tập
Hãy tạo thói quen cho con dành thời gian học tiếng Anh ở nhà. Các buổi học ngắn, thường xuyên sẽ tốt hơn các buổi dài mà không nhất quán. Mười lăm phút là đủ cho trẻ nhỏ. Dần dần, bạn có thể kéo dài các buổi học khi trẻ lớn hơn và có thể tập trung lâu hơn. Nên giữ các buổi học ngắn gọn và đa dạng để thu hút sự chú ý của trẻ.
Nên có các hoạt động nhất định vào cùng một khung giờ mỗi ngày. Trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và tự tin hơn khi chúng biết mình phải làm gì. Ví dụ, bạn có thể chơi một trò chơi tiếng Anh mỗi ngày sau giờ học hoặc đọc một câu chuyện tiếng Anh với trẻ trước khi đi ngủ. Nếu không gian nhà bạn cho phép, bạn có thể tạo một góc nhỏ, nơi bạn cất những thứ liên quan tới tiếng Anh, ví dụ như sách, trò chơi, đĩa DVD hoặc những thứ mà con bạn đã làm. Quan trọng là phải tạo thói quen cho trẻ, vì trẻ nhỏ cần làm quen với các từ và câu tiếng Anh nhiều lần để có thể tự nói được.
Chơi trò chơi
Trẻ tiếp thu tốt nhất khi chúng đang vui chơi. Flashcards (thẻ ghi nhớ) là một cách tuyệt vời để dạy và ôn tập từ vựng cho trẻ và có thể được dùng chơi cùng với nhiều trò khác.
Có nhiều loại trò chơi khác mà bạn có thể ứng dụng để giúp trẻ luyện tiếng Anh.
- Trò chơi thể chất
- Trò chơi bàn cờ
- Trò chơi chữ
- Trò chơi trực tuyến.
Tận dụng các tình huống hằng ngày
Ưu điểm của việc dạy tiếng Anh tại nhà là bạn có thể sử dụng các tình huống hàng ngày và các vật dụng xung quanh nhà để tập nói tiếng Anh một cách tự nhiên và phù hợp với ngữ cảnh. Ví dụ:
- Bạn có thể nói về quần áo khi trẻ đang thay đồ hoặc khi bạn đang phân loại đồ giặt (‘Let’s put on your blue socks’ – ‘Hãy mang đôi tất màu xanh’, It’s Dad’s T-shirt’ – ‘Áo phông của bố’, v.v.).
- Luyện từ vựng về đồ chơi và đồ đạc khi bạn dọn phòng của trẻ (‘Let’s put your teddy bear on the bed!’ – ‘Để con gấu bông của con trên giường’, ‘Where is the blue car?’ –
‘Chiếc xe màu xanh đâu rồi?).
- Dạy trẻ từ vựng về thực phẩm khi bạn đang nấu ăn hoặc đi mua sắm. Khi bạn đi siêu thị, hãy đưa cho trẻ danh sách những thứ cần mua (sử dụng hình ảnh hoặc từ ngữ tùy theo độ tuổi của trẻ). Ôn lại các từ khi bạn cùng trẻ cất đồ vào tủ.
Sử dụng các câu chuyện
Trẻ nhỏ thích những cuốn sách có màu sắc tươi sáng và hình ảnh minh họa sinh động. Bạn có thể cùng trẻ đọc tranh, vừa chỉ vừa nói nói các từ mới. Sau đó, bạn có thể bảo trẻ chỉ vào những bức tranh, ví dụ: ‘Where’s the cat?’ – ‘Con mèo ở đâu?’ Sau một lúc, hãy khuyến khích trẻ nói các từ mới bằng cách hỏi ‘What’s that? – ‘Cái đó là gì?’ Nghe truyện sẽ giúp trẻ quen với âm thanh và nhịp điệu của tiếng Anh.
Sử dụng các bài hát
Học từ mới và cải thiện phát âm qua các bài hát là một cách rất hiệu quả. Các bài hát có từ mô tả hành động đặc biệt tốt cho trẻ nhỏ vì chúng có thể tập theo ngay cả khi chưa hát được bài hát đó. Các hành động mô tả giúp trẻ hiểu được nghĩa của từ trong bài hát tốt hơn.
Dạy ngữ pháp
Với các bé nhỏ tuổi, không cần phải dạy rõ ràng các quy tắc ngữ pháp mà thay vào đó, hãy để chúng làm quen với việc nghe và sử dụng các cấu trúc ngữ pháp khác nhau trong ngữ cảnh, chẳng hạn như ‘have got’ khi bạn nói về ngoại hình của một ai đó, hoặc ‘must / must not ‘khi nói về nội quy trường học của họ. Nghe ngữ pháp được sử dụng trong ngữ cảnh ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ sử dụng nó một cách tự nhiên và chính xác khi chúng lớn hơn.
Đối với trẻ lớn hơn, bạn có thể giúp chúng luyện ngữ pháp qua video, câu đố và trò chơi, đồng thời giúp trẻ học một cách vui vẻ và thoải mái.
Sẽ có ích nếu bạn để các bé lớn hơn dạy lại cho các bé nhỏ. Giải thích cách sử dụng ngữ pháp cho người khác cũng giúp bản thân nắm vững nó.

Nên dạy cái gì trước?
Hãy xem xét sở thích và tính cách của con bạn khi chọn chủ đề học, hãy để trẻ giúp bạn chọn. Bạn có thể bắt đầu với một số chủ đề sau:
- số (1–10; 10–20; 20–100)
- màu sắc
- tính từ (ví dụ: to, nhỏ, cao, vui, buồn, mệt mỏi)
- cơ thể con người
- đồ chơi
- quần áo
- động vật (ví dụ: vật nuôi, động vật trang trại, động vật hoang dã)
- món ăn
Điều quan trọng là con bạn phải làm quen với ngôn ngữ ‘tiếng Anh’, vì vậy hãy sử dụng các câu giống nhau, ví dụ: It’s English time! Let’s sit down. Which song shall we start with today?’ (Đến giờ học tiếng Anh rồi! Hãy ngồi xuống. Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu bằng bài hát nào đây?) Trẻ sẽ sớm hiểu các câu như please (đi mà) ; thank you (cảm ơn) ; Can I have …? (Con có thể…?); Where is …? (Ở đâu nhỉ…?); What colour is it? (Nó có màu gì nhỉ?) ; It’s …(Nó…); I like …(Con thích…); I don’t like …(Con không thích…)
Dù cách thức của bạn như thế nào đi nữa, điều quan trọng nhất vẫn là thư giãn, vui vẻ và biến việc học tiếng Anh trở thành một trải nghiệm thú vị cho cả bạn và con bạn.
Thanh Tuyền lược dịch
Nguồn: https://learnenglishkids.britishcouncil.org/helping-your-child/how-start-teaching-kids-english-home